Đây là một thực tế rất khó chịu tại một số tuyến phố trên địa bàn TP.HCM khi việc kinh doanh không ngừng nở rộ. Những nhà mặt tiền được trưng dụng triệt để làm nơi kinh doanh và tất nhiên không thể thiếu những tấm biển quảng cáo.
Quanh ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) hay tại các vòng xoáy lớn như vòng xoay Lăng Cha Cả, vòng xoay Cây Gõ... biển quảng cáo nằm chen chúc, san sát nhau, đủ kích cỡ, màu sắc. Vách tường, mặt tiền nhà, sân thượng… trong khu vực này đều được tận dụng triệt để đặt biển quảng cáo. Biển đặt sau luôn cố “ngoi” lên để cạnh tranh và thu hút người đi đường hơn bảng quảng cáo trước. Người ta cố đặt những bảng quảng cáo to vươn lên trời, vượt hẳn chiều cao ngôi nhà để không bị lép vế với hàng loạt bảng quảng cáo xung quanh.
Tình trạng lộn xộn này không chỉ gây rối mắt người đi đường mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Chẳng hạn có những tấm biển được ốp luôn vào tường, tuy nhiên lại vượt quá diện tích tường nhà rất vướng. Một số quảng cáo còn che kín cả bề mặt kiến trúc, ảnh hưởng rất lớn tới không gian và chặn hết đường thoát nếu có cháy nổ xảy ra.
Riêng đối với loại quảng cáo bằng pa nô chân trụ với kích thước quá lớn, đặt đan xen trong khu dân cư, khi có mưa bão, gió to sẽ gây nguy hiểm cho người dân ở xung quanh. Cá biệt, một số cửa hàng buôn bán đồ điện tử, thời trang quảng cáo bằng cách mở loa tăng âm công suất lớn khiến người dân sống xung quanh luôn bị “bội thực” bởi đủ loại âm thanh hỗn tạp. Đôi chỗ còn chiếu đèn cao áp, tia la-de vào mặt người đi đường…
Ngoài ra, theo quy định, trên biển hiệu phải ghi tiếng Việt trên cùng, tiếng nước ngoài ở dưới và tiếng Việt phải to hơn tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, tại các khu vực có người nước ngoài thường xuyên lui tới, sinh sống, để thu hút khách ngoại quốc, các chủ cửa hàng bất chấp quy định, hầu hết chỉ ghi bằng tiếng nước ngoài, không ghi tiếng Việt hoặc nếu ghi thì chữ tiếng Việt rất nhỏ. Có 8 quận trên địa bàn thành phố gồm quận 1, 3, 5, 6, 7, 11, Tân Bình và Bình Thạnh thường xuyên ghi sai tên biển hiệu như vậy. Xem thêm: Đi tìm sự "trong sáng" cho tiếng Việt trên biển quảng cáo
Tình trạng “loạn” quảng cáo không chỉ diễn ra tại mỗi TP.HCM, mà còn phổ biến tại rất nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Tuy nhiên, khi bị kiểm tra, các hộ kinh doanh sẵn sàng nộp phạt và nhất định không chịu sửa biển hiệu vì sợ tốn kém, trên hết là sợ “phá” phong thủy, ảnh hưởng đến việc làm ăn buôn bán.
Nguyên nhân của sự bát nháo đó, theo ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận 1,ngoài tình trạng lực lượng xử phạt mỏng, yếu nghiệp vụ, chưa thực sự quyết liệt trong việc thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể chế tài xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực biển hiệu, đồng thời chế tài đối với sai phạm về quảng cáo còn quá thấp, không đáng kể so với lợi nhuận thu được nên các công ty quảng cáo sẵn sàng nộp phạt rồi tiếp tục vi phạm.