Hiện nay, tại Hà Nội, tình hình biển hiệu - bảng hiệu quảng cáo vi phạm còn rất phổ biến. Sau rất nhiều lần triển khai tháo dỡ thì vẫn chưa thấy tiến triển nào khả quan. "Đâu lại vào đấy" biển quảng cáo vi phạm vẫn tràn ngập các tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có tới 190 bảng quảng cáo đứng độc lập dựng trái phép và 149 hộp đèn quảng cáo đứng độc lập trên dải phân cách không được chấp thuận của cơ quan quản lý. Biển quảng cáo vi phạm còn gọi là "rác trời" này còn vi phạm Luật Xây dựng, Luật Đất đai và chính sách thuế. Vấn đề đặt ra là một bảng quảng cáo có quy mô, kích thước lớn, tồn tại trong thời gian dài song không được chính quyền địa phương xử lý kiên quyết.
Trong đợt ra quân lần này, thành phố Hà Nội yêu cầu tháo dỡ hoàn toàn các công trình (khung, bảng, cột) quảng cáo vi phạm, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu. Mặc dù có ý kiến cho rằng việc phá dỡ toàn bộ biển quảng cáo vi phạm sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng quan điểm nhất quán của thành phố là đã sai thì phải xử lý, không nương nhẹ bất kỳ một trường hợp nào.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được TTXVN dẫn lời cho biết, cơ quan này không hợp thức hóa bất kỳ một bảng quảng cáo nào, cho dù bảng đó có thể ở địa điểm nằm trong quy hoạch sắp tới của thành phố.
Cơ quan này khẳng định, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉ thị của thành phố, phải tháo dỡ toàn bộ bảng vi phạm. Nếu vị trí đó được quy hoạch, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục từ đầu khi muốn dựng bảng quảng cáo.
Ngân sách nhà nước không chi cho việc tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm mà chi phí do chính doanh nghiệp phải chịu. Trong thời gian đầu, doanh nghiệp phải tự tháo dỡ. Khi doanh nghiêp không chấp hành, chính quyền địa phương sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế và chi phí này doanh nghiệp phải chi trả. Nặng hơn, các cơ quan chức năng sẽ có những hình thức củng cố hồ sơ để xem xét xử lý ở mức độ cao hơn, có thể sẽ kiến nghị với thành phố từ chối hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo nhận định của cơ quan quản lý văn hóa, các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo đều nắm được chủ trương, kế hoạch của thành phố. Tuy vậy, ý thức chấp hành của các doanh nghiệp này chưa tốt. Họ vẫn “chờ” để nghe ngóng thái độ của các cơ quan chức năng nhưng nếu có biện pháp mạnh chắc chắn công tác xử lý vi phạm sẽ đạt hiệu quả cao hơn.