Theo các quy định hiện hành, các tấm panô quảng cáo không được phép đặt gần giao lộ, trừ panô cổ động chính trị. Vì vậy, các panô cổ động chính trị thường nằm ở những vị trí đắc địa, hiệu quả quảng bá cao.
Kết hợp "làm ăn"
Nhằm tạo thêm nguồn thu cho hoạt động cổ động chính trị, năm 2011, Phòng Văn hóa - Thông tin quận 1, TP HCM đề xuất UBND quận cho phép Trung tâm Văn hóa quận kết hợp quảng cáo thương mại (QCTM) và cổ động chính trị với hình thức hộp đèn xoay 3 mặt.
Theo đó, 5 vị trí được đề xuất kết hợp cổ động chính trị và QCTM gồm: giao lộ Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng, Vòng xoay Điện Biên Phủ (58 Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ. Những vị trí này không được phép QCTM quá 50% thời gian trong 1 năm. Riêng vị trí số 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm do nằm trước cơ quan nhà nước nên không được phép quảng cáo.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, một số panô chỉ cổ động chính trị được 1 tuần rồi chuyển sang QCTM. Đơn cử, tấm panô lớn ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng hôm 26-4 là QCTM, từ ngày 27-4 chuyển sang cổ động chính trị. Thế nhưng, đến ngày 4-5 (tức chỉ 1 tuần),tấm panô này quảng cáo cho một thương hiệu khác.
Hộp đèn quảng cáo trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM)
Tấm panô lớn ở ngã tư Nguyễn Du - Trương Định ngày 27-4 có nội dung cổ động chính trị, đến trưa 4-5 đã chuyển sang quảng cáo cho một loại thức uống. Panô ở số 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm dù quy định không được phép QCTM do nằm trước đơn vị nhà nước nhưng theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 8-5, nhãn hiệu một loại dầu thực vật vẫn được quảng cáo ở đây.
Tại quận 5, tháng 7-2016, UBND quận đề nghị UBND TP HCM chấp thuận cho phép tuyên truyền cổ động chính trị kết hợp QCTM tại 5 vị trí nhưng TP chỉ chấp thuận 2 vị trí là Công viên Thành Thái và Công viên An Bình.
Cuối tháng 4-2017, chúng tôi ghi nhận tấm panô ở Công viên An Bình có mặt ngoài quảng cáo cho một hãng bia, nhìn từ xa đã thấy rất rõ; còn mặt quay vào trong tuyên truyền về Luật Giao thông lại bị cây cối che khuất. Cách đó không xa, một tấm panô lớn ở gần giao lộ Trần Phú- An Dương Vương cũng quảng cáo cho một hãng bia.
Theo Thông tư 19 của Bộ Xây dựng (ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời),hộp đèn lắp quảng cáo trên các dải phân cách chiều ngang phải nhỏ hơn dải phân cách tối thiểu 0,5 m nhưng nhiều đơn vị quảng cáo không tuân thủ. Ví dụ, trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1),dải phân cách rộng hơn 2 m được tận dụng làm nơi quảng cáo. Đơn vị quảng cáo đã "gọt" khung hộp đèn sao cho phía ngoài bằng với dải phân cách, còn bên trong thì đưa ra khoảng 50 cm.
Đối với hoạt động quảng cáo trên thân xe, Luật Quảng cáo quy định rất rõ: Nghiêm cấm hành vi quảng cáo phía trước và sau xe. Thế nhưng, một số hãng taxi vẫn cho dán quảng cáo phía sau xe bằng hình thức treo logo của các doanh nghiệp, một số loại thẻ tín dụng…
Cấp phép theo quy hoạch của quận - huyện
Ông Trần Mai Vỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 1, cho biết các vị trí panô cổ động chính trị kết hợp QCTM trên địa bàn quận đều được cấp phép. Trước khi đặt ở vị trí nào, trung tâm đều hỏi ý kiến các đơn vị liên quan.
Ông Vỹ cho rằng Trung tâm Văn hóa quận 1 là đơn vị sự nghiệp được quận giao nhiệm vụ thực hiện cổ động chính trị và cũng có thêm chức năng hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Trong quá trình hoạt động, trung tâm đề xuất các đơn vị chức năng cho phép kết hợp QCTM vào những ngày không cổ động chính trị để có thêm kinh phí bảo dưỡng trụ panô, thay nội dung cổ động chính trị khi đến dịp theo yêu cầu của quận và TP. "Nếu không được phép quảng cáo nữa, chúng tôi sẽ tháo xuống và báo cáo quận cấp kinh phí để phục vụ cổ động chính trị" - ông Vỹ nói.
Trong khi đó, bà Đặng Hồng Linh, Trưởng Phòng Văn hóa - Gia đình (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM),cho biết quy hoạch quảng cáo ở TP khác với một số đô thị khác. TP HCM có những yêu cầu về mỹ quan đô thị, văn minh kỹ hơn.
Theo bà Linh, hiện sở chỉ cấp phép cho hoạt động quảng cáo ngoài trời theo quy hoạch quảng cáo đã được phê duyệt của quận - huyện trong thời gian trước khi có Luật Quảng cáo chứ không cấp phép mới. Đề án quy hoạch quảng cáo giai đoạn 2015-2020 của Sở Văn hóa - Thể thao vẫn chưa được phê duyệt nên hiện TP HCM vẫn chưa có quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Bà Linh cho biết TP HCM có những vị trí chỉ chuyên cho hoạt động cổ động chính trị, không cho phép QCTM - thường là các trục lõi, trục trung tâm. Trong những đợt cao điểm, các quận trung tâm như quận 1 và quận 3 ưu tiên cho cổ động chính trị, những QCTM sẽ hạn chế tùy theo thời điểm. Đối với quảng cáo trên phương tiện giao thông, luật cho phép 2 bên hông, không cho đầu và cuối xe.